Chuẩn bị đám cưới – Cần làm gì?

Hế lô các bạn.. Nay rảnh rỗi viết bài này dành cho các bạn đang, sắp và sẽ tổ chức đám cưới, trở thành cô dâu và làm dâu nhà “người ta”.

Thật ra bài viết này cũng không phải to tác, lớn lao, chi tiết tất tần tật về việc chuẩn bị cho đám cưới gì đâu. Tớ cũng chả rành mấy vụ này lắm. Tớ chỉ chia sẻ 1 số cái mà tớ đã trải qua, 1 số cái “bí kíp” dành cho các bạn.

Trước đây, khi bắt đầu chuẩn bị đám cưới, tớ lục tung các trang trên mạng, google 1 loạt nào là “các công việc cần chuẩn bị cho đám cưới”, “chụp hình cưới ở đâu đẹp nhất”, “chi phí chuẩn bị đám cưới bao nhiêu”, bla bla bla…

Một số trang viết cũng okela lắm, cũng chi tiết các kiểu (tớ cũng không nhớ trang nào đâu, các bạn cứ google là ra hết à), nhưng tớ thấy trang nào cũng từa tựa như trang nấy, không khác biệt cho lắm. Một số trang viết chung chung, 1 số trang viết chi tiết, nhưng còn kiểu trải nghiệm thực tế thì chưa rõ lắm.

Nhưng cuối cùng thì tớ cũng đã vượt qua được đám cưới một cách “tạm ổn”, không thấy ai phàn nàn, hoặc chưa phàn nàn, hoặc là chả thèm nói :))

Thôi, dài dòng vậy đủ rồi. Chắc cũng không nhiều người đọc hết phần “tám nhảm” trên của tớ đâu.. Tớ đi vào nội dung chính luôn đây..

Bối cảnh nhà cô dâu và chú rể cho các bạn nắm sơ qua, có thể 1 số bạn giống tớ (biết đâu đấy :)).. )

  • Bố mẹ tớ là người miền Bắc, vào miền Nam sinh sống và sinh ra tớ. Nên tớ được coi là “người gốc Bắc”. Cách sống, sinh hoạt, các phong tục, tục lệ vẫn theo “người Bắc” hết.
  • Gia đình chồng tớ là người Bắc, ở miền Bắc luôn.
  • Vợ chồng tớ thì làm việc ở Hà Nội.

I. Các lễ trong đám cưới mà chúng tớ quyết định thực hiện:

Sẽ gồm 3 ngày:

  • Ngày 1: Đám hỏi, được tổ chức ở miền Nam (nhà tớ)
  • Ngày 2: Dẫn dâu và đám cưới, được tổ chức ở miền Nam (nhà tớ)
  • Ngày 3: Lễ báo hỷ, được tổ chức ở miền Bắc (nhà chồng)

II. Thời gian quyết định sẽ chuẩn bị và tổ chức đám cưới:

Sau khi xem xét “ngày lành tháng tốt” và nhiều lý do khác thì chúng tớ có 2 tháng để chuẩn bị mọi thứ.

III. Lập kế hoạch thực hiện

Chúng tớ lập kế hoạch thực hiện các công việc trong vòng 2 tháng. Vợ chồng tớ thì sử dụng Google Sheets (Excel online) để 2 đứa có thể dễ dàng xem, chỉnh sửa mọi lúc, mọi nơi (tất nhiên là phải có internet để sử dụng rồi nhé..)

File Excel này gồm các sheet:

  1. Lịch – Kế hoạch các công việc
    • Dạng lịch: để xem công việc như trên lịch cho thuận tiện
    • Dạng danh sách: để xem tất cả công việc cần thực hiện
  2. Chi phí thực hiện:
    • Tổng chi phí dự trù
    • Chi phí dự kiến chi tiết cho từng công việc
    • Chi phí thực tế
  3. Danh sách khách mời:
    • Liệt kê danh sách khách mời
    • Đánh dấu những người đã mời
    • Đánh dấu những người có thể đi hoặc không thể đi hoặc còn lưỡng lự
    • Ghi số lượng người đi cùng để nắm được con số để đặt bàn tiệc

Mẫu file Excel tớ sẽ đính kèm sau nhé..

IV. Các công việc chi tiết

Vợ chồng tớ quyết định tự túc chi toàn bộ các công việc liên quan, không “nhờ vả” bố mẹ hỗ trợ nên mọi chi phí luôn là tiết kiệm, nếu không cần thiết thì không cần chi tiêu. Đảm bảo tiêu chí “ngon – bổ – rẻ” 😀

1. Đặt vé máy bay

Sau khi 2 gia đình đã chốt được ngày tháng cụ thể về việc tổ chức đám cưới, công việc đầu tiên là đặt vé máy bay.

Đặt vé máy bay thì tùy vào điều kiện gia đình, nơi đi – đến, thời gian để lựa chọn Hãng máy bay cho phù hợp.

Nếu 2 nhà ở gần nhau, có thể xem các phương tiện di chuyển khác, như: tàu hỏa, xe khách, xe máy, đi bộ..

Các link đặt vé trực tuyến để các bạn tham khảo:

LoạiLink
Vietnam Airlinehttps://www.vietnamairlines.com/vn/vi/home
Vietjet Airhttps://www.vietjetair.com/Sites/Web/vi-VN/Home
JetStarhttps://www.jetstar.com/vn/vi/home
Bamboo Airwayhttps://www.bambooairways.com/vn-vi/
Tàu hỏa (ĐSVN)https://dsvn.vn/#/
Đây là link để mua vé trực tuyến, trực tiếp của các hãng máy bay và vé tàu hỏa do hệ thống Đường sắt Việt Nam cung cấp, không thông qua trung gian hay đại lý bán hàng.

2. Vận chuyển hình cưới, ảnh cưới lớn

Vợ chồng tớ chụp hình cưới ở Hà Nội, nên vấn đề xách hình cưới to, cồng kềnh đi máy bay, cũng là 1 vấn đề đáng lưu ý ở đây.

Hình cưới của tớ kích thước là 60cmx90cm, ốp mica và không có khung.

Sau khi gọi hỏi tổng đài hãng máy bay, tớ quyết định đặt vé của Jetstart để đi vào trong miền Nam và có thể vận chuyển hình cưới này.

Nếu các bạn đi Vietnam Airline, Vietjet Air hay Bamboo Airway thì nên hỏi tổng đài trước.

Theo Jetstar, kích thước hành lý ký gửi tối đa là 100cm ở bất kỳ các chiều, bao gồm bao bì. Như vậy kích thước tối đa các cạnh của hành lý ký gửi là 100cm x 100cm x 100cm.

Hình cưới của tớ có kích thước là 60cm x 90cm. Bao bì, chống xốc các kiểu thì cạnh chiều dài vừa tròn 100cm luôn.

Cách bao bì, đóng gói hình cưới trước khi mang đi:

  • Tớ ra ngoài tiệm tạp hóa gần nhà, xin chị bán hàng xinh đẹp mấy cái thùng giấy còn cứng cáp, như thùng nước suối, mì tôm, …
  • Tớ lên Shopee đặt mua xốp bong bóng chống xốc gói hàng. Một số nơi gọi là “màng xốp hơi, bong bóng khí”. Kích thước chiều rộng màng xốp là 80cm, họ bán theo mét. Tớ mua 10m hết 50.000đ.
Đây là Xốp bong bóng chống xốc nhé các bạn (tên gọi có thể khác)

Tớ quấn xốp bong bóng trước, chú ý là mặt phẳng (không có bong bóng) thì bên ngoài, đưa mặt có bóng khí vào bên trong. Tớ mua 10m lận nên quấn quanh 2-3 vòng cho đảm bảo.

Sau đó, tớ lấy bìa cacton (từ các thùng giấy đã xin được) bọc xung quanh lại. 4 góc của hình, tớ làm thêm 4 cái bọc góc nữa, cũng bằng bìa cacton luôn (như hình ảnh mấy miếng bọc cạnh bàn này nè), tận dụng mấy chỗ góc thùng giấy để làm phần này.

Các bạn nhớ dán băng keo thật kỹ nha.

Chú ý, nhớ kích thước tối đa là 100cm, đừng bọc nhiều lớp quá. Còn nếu các bạn muốn bọc dày, đảm bảo, như lót thêm xốp nữa, thì khi đặt vé máy bay, phải đặt thêm “Hành lý quá cỡ” hoặc “Hành lý cồng kềnh” nhé.

Ngoài ra, để kỹ hơn, các bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm làm lớp bao bọc cuối cùng bên ngoài, để tránh ướt. Các bạn có thể mang ra sân bay, nhờ họ bọc, hết tầm 50-70k/lần.

Và vấn đề cuối cùng là lúc gửi hành lý. Nhớ nói họ là “đây là hình cưới”, họ cẩn thận giúp mình à.

Lần trước mình đi, họ xách hình cưới của mình đi theo đường riêng, không đi chung băng chuyền của hành lý ký gửi. An tâm hẳn ra.

3. Chụp hình cưới

Đã nói về vấn đề gửi hình cưới khi đi máy bay thì tất nhiên phải có hình cưới để mang đi gửi rồi chứ nhỉ.

Vợ chồng tớ chọn chụp hình cưới ở Hà Nội, để tiện di chuyển.

Gói chụp hình cưới của chúng tớ là 4.500.000đ, bao gồm:

  • Chụp ngoại cảnh tại phim trường Santorini (công viên Yên Sở)
  • Trang phục: gồm 2 váy cưới – 2 bộ vest và 1 bộ đồ đôi (áo thun nam + đầm nữ)
  • In 2 hình cưới khổ 60x90cm, có ép mica và 1 hình để bàn 20x30cm
  • 1 DVD slideshow album cưới
  • Cho mượn váy cưới, vest chú rể, áo dài cho đội bưng bê mâm quả trong vòng 7-10 ngày.

Trong gói này còn có quyển album cưới 11 tấm. Tụi tớ quyết định không in album ảnh cưới 11 tấm, mà chỉ nhờ họ làm file mềm thôi. Được giảm 300k lận. Hehe..
Album cưới này thì các bạn cân nhắc tùy vào nhu cầu của mình. Đối với tụi tớ, lúc đầu ai cũng thích coi album cưới, nhưng sau này không ai coi, thậm chí mình cũng không siêng để coi. Nên tụi tớ không in ra, lấy file mềm thôi.

Quyển Album cưới là quyển này này. Tớ lấy hình ví dụ trên mạng thôi.

Còn DVD slideshow album cưới là để trình chiếu tại nhà hàng, hoặc tại nhà trên TV.
Do không hỏi kỹ, nên khi lấy DVD họ làm cho, tụi tớ không thích nhạc nền này, không phù hợp với phong cách tụi tớ. Thế là tụi tớ quyết định tự làm video album cưới luôn.
Tớ sử dụng phần mềm Proshow Gold. Nó rất dễ sử dụng, có nhiều hiệu ứng, chèn nhạc, cắt ghép nhạc, … đơn giản như sử dụng MS PowerPoint ấy. Phần mềm này có thể xuất ra file video. 1 video tớ làm tầm 2 tiếng, khoảng 10 bài hát, với chất lượng hình ảnh cao thì xuất ra video khoảng 4GB.

Còn việc in hình cưới, tớ in 1 tấm khổ dọc và 1 tấm khổ ngang.
Tùy vào sở thích của các bạn, có thể in 2 tấm giống nhau hoặc khác nhau.
Tớ chọn 3 kiểu, 2 kiểu để in hình cưới phóng to (1 tấm ngang và 1 tấm dọc) và 1 kiểu để in hình để bàn.
Hình cưới phòng to, tớ để ở mỗi nhà 1 tấm: 1 tấm tớ vận chuyển máy bay từ Bắc vào Nam cho bố mẹ tớ, 1 tấm tớ để ở nhà chồng. Còn hình để bàn, tớ xách lên Hà Nội, để ở nhà của tụi tớ.

4. Lên danh sách khách mời

Việc lên danh sách khách mời, các bạn và gia đình có thể chuẩn bị trước, càng sớm càng tốt để tránh thiếu sót 1 vài người bạn, họ hàng, …

Các bạn nên tách ra theo từng nhóm riêng để tránh thiếu sót:

  • Bên nhà gái và Bên nhà trai
  • Chia theo từng nhóm:
    • Họ hàng
    • Bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ
    • Bạn bè, đồng nghiệp của cô dâu – chú rể
    • Bạn bè, đồng nghiệp của anh, chị, em trong gia đình
    • Hàng xóm, láng giềng

Danh sách (theo ý kiến của tớ thì) nên có các cột như sau:

STTTênSố người đi cùngĐiKhông điChưa biết

5. Lựa chọn nhà hàng và đặt nhà hàng

Sau khi bạn lên được danh sách khách mời sớm, bạn sẽ biết được “số lượng dự kiến” bao nhiêu người sẽ tham dự.

Bạn và gia đình có số lượng khách để đi đặt khách hàng.

Nếu đặt sớm, bạn có thể lựa chọn được nhà hàng mà mình mong muốn. Ngoài ra, bạn có thể lên kế hoạch với người phụ trách đám cưới của mình tại nhà hàng này về các yêu cầu, mong muốn của bạn:

  • Trang trí sảnh tiệc cưới, trong nhà hàng
  • Món ăn, nước uống
  • Các nghi lễ, trình diễn tại bữa tiệc
  • Chuẩn bị video, âm nhạc, hình ảnh

Ở đây, việc đặt bàn, món ăn này nọ thì tớ để bố mẹ tớ quyết định, tùy vào điều kiện gia đình thôi.

Tụi tớ chỉ chuẩn bị 1 số thứ:

a) Tranh in vân tay

Tranh in vân tay này, tớ đặt mua tại chỗ in thiệp cưới, dùng để thay thế “quyển số ký tên” thường do nhà hàng chuẩn bị sẵn.

Tùy theo sở thích của các bạn, các bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau, như:

  • Tranh in vân tay
  • Tranh gỗ
  • Tranh giấy ký tên
  • Tranh cát

Tớ đặt tranh in vân tay, kích thước 50cm x 70cm, có kèm khung (đơn giản) và mực in vân tay. Tổng chi phí là 450k.

b) Video hành trình quen nhau của 2 đứa

Trong thời gian “quen nhau”, “yêu đương thắm thiết”, tụi tớ có chụp hình, quay video lưu trữ kỷ niệm.

Tớ tổng hợp lại theo từng năm và tạo ra 1 video nói về hành trình quen nhau của 2 đứa. Video này tớ dùng để trình chiếu ngay trước khi buổi lễ bắt đầu.

Các bạn có thể tùy vào sở thích mà có các nội dung chuẩn bị khác nhau.

6. Đặt thiệp cưới

Sau khi đặt xong nhà hàng và có số lượng khách mời thì tớ chọn mẫu thiệp cưới.

Mẫu thiệp cưới thì các bạn tham khảo các địa chỉ quen biết, gần nhà, hoặc trên mạng. Các bạn nên xem trực tiếp để đảm bảo được kiểu dáng, màu sắc, chất liệu thiệp cưới.

Mẫu thiệp tớ chọn in hoa lá cành, không có nơ hay cắt lazer, có kèm phong bì (đây là theo phong tục ở trong Nam, tớ ra ngoài Bắc mới biết là không có phong bì) và in bản đồ tới nhà hàng (+500đ) là 4.000đ/ thiệp với số lượng >300 thiệp.

7. Đặt váy cưới, vest

Vì tớ tổ chức trong miền Nam nên tớ ngại xách váy cưới, vest trong gói “chụp hình cưới” ở Hà Nội vào nên tớ quyết định thuê riêng.

Ngày 1: Đám hỏi:

  • 1 bộ áo dài, 1 bộ vest
  • 5 bộ cho phù dâu, kèm 5 nơ/cà vạt cho phù rể.

Ngày 2: Làm lễ rước dâu tại nhà và ra nhà hàng ăn tiệc

  • Lễ tại nhà: 1 bộ áo dài, 1 bộ vest
  • Tại nhà hàng: 2 váy cưới. Vest chú rể có thể thuê thêm 2 bộ hoặc sử dụng lại bộ vest lúc làm lễ tại nhà

8. Đặt trang trí nhà cửa, gia tiên

Tớ đặt trọn gói gồm:

  • Phông trang trí nhà
  • Dãy bàn ghế 2 họ (kèm hoa để bàn, nước suối, khay bánh kẹo)
  • 2 bộ bàn ghế uống trà bên ngoài
  • Khung rạp che
  • Bảng tên

Các bạn cứ tham khảo trên mạng hoặc các địa chỉ gần nhà để biết rõ.

9. Đặt nhẫn cưới

Công việc này các bạn cũng nên chuẩn bị sớm.

  • Đi tham khảo nhiều nơi có uy tín
  • Lựa chọn mẫu cho phù hợp
  • Đặt làm đôi nhẫn cưới đẹp, phù hợp, bền

Và còn nhiều việc linh tinh khác mà tớ phải chuẩn bị. Nhưng nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình và bạn bè thì 2 tháng của tớ cũng ổn. Hehe..

Trên đây là 1 số chia sẻ về kinh nghiệm của tớ khi chuẩn bị đám cưới.

Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn một phần nào đó.

Leave a comment

Website Built with WordPress.com.

Up ↑